📗 Bằng trí thông minh của mình, con người quả thật đã và đang từng ngày làm thay đổi cuộc sống, thay đổi môi trường sống trên cả hành tinh này. Tuy nhiên, liệu những thành quả đó có thực sự làm cho thân phận con người được thay đổi tốt hơn chăng? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta không có cách nào khác hơn là phải nhìn thẳng vào cái “số phận chung” của mọi con người. Tất nhiên, chúng ta luôn mong muốn cho cái “số phận” ấy được thay đổi theo hướng tốt hơn, nhưng sự thật vẫn luôn là vấn đề của sự nhìn nhận đúng thật chứ không phải là theo như mong muốn.Từ bao thế kỷ đã qua, lịch sử đã cho thấy, dẫu có những con người hiếm hoi nào đó tìm được hạnh phúc mãn nguyện cho cuộc đời mình trong một chừng mực nhất định, thì bức tranh chung của nhân loại vẫn bàng bạc một màu bất toại nguyện. Vào bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại như đã được ghi chép, ở bất cứ châu lục nào, chúng ta cũng luôn thấy rằng đa số cư dân là những người nghèo khổ. Việc san bằng khoảng cách giàu nghèo dường như luôn là mục tiêu lý tưởng của mọi xã hội, mọi chính phủ cầm quyền, nhưng cho đến nay thì điều đó vẫn chỉ là mong muốn mà chưa bao giờ có khả năng trở thành hiện thực. Không có những thống kê thật chính xác, nhưng dựa vào những số liệu tương đối có được, ta thấy số người rất giàu có thường chỉ chiếm một tỷ lệ thấp (khoảng từ 3% - 5% dân số) nhưng lại nắm giữ một số lượng tài sản kếch sù, có khi lên đến khoảng 90% của toàn xã hội. Thực tế này tồn tại xuyên suốt lịch sử nhân loại, từ Đông sang Tây, và c...