🔖 Thường thì một nhà văn, nếu có phê bình hay giới thiệu thì chỉ giới thiệu các nhà văn. Còn là nhà thơ, vì yêu thơ nên giới thiệu các nhà thơ. Nếu là nhà phê bình văn học thì có thể phê bình hoặc giới thiệu các nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên khảo. Hiếm khi thấy nhà phê bình giới thiệu các ca sĩ, họa sĩ, nhà báo. Thế nhưng trong tuyển tập này chúng ta sẽ thấy đủ các khuôn mặt đang sống hoặc đã sống cho nền văn học, văn nghệ, nghệ thuật, văn chương, báo chí ở hải ngoại. Từ Mai Thảo, Võ Phiến, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Thụy Khuê, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Văn Sâm, Khánh Trường, Trần Phong Vũ, Trang Châu, nhà biên khảo Ngô Thế Vinh, họa sĩ Nguyên Khai, Trịnh Cung, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn… tới ba bài thơ của Pablo Neruda (1904-1973) rồi Miến Điện Dân Chủ và Thi Ca… và những nhân vật mà 30 năm lăn lộn trong nghiệp viết văn tôi không may mắn được làm quen với họ.Có thể Phan Tấn Hải là một nhà báo cho nên ông phải thu thập tin tức về mọi sinh hoạt của xã hội và có dịp quen biết rất nhiều. Biết nhiều nhân vật mà chúng ta không biết. Thế nhưng từ “quen biết” tới sưu tập rồi giới thiệu thì phải có lòng yêu thích. Lòng yêu thích này bắt nguồn từ sự đa tài của Phan Tấn Hải. Ông vừa là một nhà báo, một nhà văn, một nhà thơ, một họa sĩ, một nhà nghiên cứu Phật học… cho nên ông ôm trọn tất cả vào lòng. Là nhà nghiên cứu Thiền Tông với pháp danh Nguyên Giác, ông đã vượt qua mọi giới hạn và lằn ranh, chỉ đặt hai chữ “quý mến...